Bắt tay như tổng thống

Bạn có biết rằng John F. Kennedy đã ủy thác một nghiên cứu toàn diện để tìm ra cái bắt tay hiệu quả nhất? Và hoàn toàn với lý do chính đáng! Không chỉ là một dấu hiệu của tình bạn, cách bắt tay nói lên một cách hùng hồn về bạn là ai với tư cách một con người. Một cái bắt tay lỏng lẻo có thể chỉ ra sự bất an. Một cái bắt tay lướt nhanh có thể truyền đạt sự kiêu ngạo. Kennedy biết rằng ông sẽ bắt tay với những người đàn ông và những người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới. Bởi vậy bắt tay một cách hiệu quả là điều ông luôn muốn làm chủ hoàn toàn. Và đó thực sự là một kĩ năng cần thiết mà mỗi chúng ta nên làm chủ được trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Trong bài viết lần này Skillbox sẽ giới thiệu cho bạn một vài lời khuyên về làm thế nào để bắt tay như John F.Kenedy. Chúng ta đều biết rằng ấn tượng đầu tiên sẽ là ấn tượng khó phai nhất và thông thường chính cái bắt tay của bạn sẽ tạo nên ấn tượng đầu tiên này.

Nguồn gốc của việc bắt tay ?

Có rất nhiều giả thiết đáng tin cậy về nguồn gốc của việc bắt tay và nguyên nhân tại sao con người làm vậy. Trong đó giả thiết được biết đến rộng rãi nhất bắt nguồn từ thời trung cổ ở châu Âu, nơi các hiệp sĩ mở rộng bàn tay của mình để chứng minh cho nhau thấy rằng họ không hề có vũ khí hay ẩn giấu phía sau lưng. Thú vị là điều này có vẻ hợp lí với phiên bản của cái bắt tay hiện đại – đó là khi hai người bằng một cử chỉ duy nhất thể hiện tình bạn, sự cởi mở và vô hại giữa hai bên.

Tại sao việc bắt tay lại quan trọng ?

Như đã đề cập, cách mà bạn bắt tay là minh chứng hùng hồn cho việc bạn là ai. Với một vài người, bắt tay chỉ là một thủ tục nghi lễ. Nhưng với hầu hết nhiều người nó là một sự khẳng định sâu xa về tính cách con người bạn, sức mạnh của bạn và độ đáng tin cậy của bạn. Khi bạn bắt tay với một người, bạn đang làm nhiều hơn là nói “xin chào” đấy. Đó là khi bạn khẳng định rằng “đây chính là con người tôi !”.

Hãy tưởng tượng một nhà lãnh đạo như John F. Kennedy – người nắm quyền trong suốt chiến tranh hạt nhân toàn thế giới lại là một người không chắc chắn. Khi đó một cái bắt tay yếu ớt với một chức sắc của Cuba hay Liên Xô cũng có thể tạo ra một vấn đề lớn đối với Hoa Kỳ. Nhưng ngược lại, một cái bắt tay mạnh mẽ có thể truyền đạt sự tự tin, ổn định và đáng tin cậy, mở ra một cuộc đối thoại mới và thậm chí là những tình bạn mới giữa các nhà lãnh đạo vốn từ lâu đã đứng ở hai phe đối lập.

Nếu bạn là một người làm kinh doanh, cái bắt tay của bạn có thể là nhân tố tạo nên hay phá hủy một hợp đồng lớn, một thỏa thuận béo bở. Nếu bạn là một bác sĩ hay người cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cái bắt tay của bạn có thể làm một người bệnh tràn đầy tự tin và niềm tin tưởng. Dẫu bất kể chúng ta là ai, cách chúng ta sống như thế nào, thì việc học bắt tay một cách ý nghĩa cũng là điều vô cùng quan trọng với tất cả mọi người.

Làm thế nào để bắt tay như John F.Kenedy ?

Nghiên cứu sâu về việc bắt tay của John F.Kenedy đã chỉ ra rằng cách bắt tay hiệu quả nhất chính là “bắt tay kép” – khi mà tay trái được đặt chếch dưới tay phải để ôm trọn những bàn tay đang nắm chặt. Việc đặt bàn tay trái theo cách này sẽ thêm vào một chiều hướng của sự nhiệt tình và niềm tin tưởng, đồng thời truyền tải một ý thức lớn lao về tình bạn và lòng tin giữa những con người.

Dưới đây sẽ là một vài lời khuyên để bạn có thể đi đến một cái bắt tay hoàn hảo.

  1. Nhìn vào mắt của người đối diện

Thực tế, rất nhiều nhà kinh doanh hàng đầu khẳng định rằng chính đôi mắt của bạn truyền tải nhiều nhất về con người bạn trong suốt thời điểm ban đầu của buổi gặp gỡ. Nếu bạn nhìn xuống đất, bạn đang nói với người đối diện rằng tôi ngại ngùng, hồi hộp và thậm chí không đáng tin cậy. Tránh giao tiếp qua mắt thường là biểu hiện điển hình ở những người đã làm điều gì sai trái và cảm thấy mặc cảm tội lỗi.

Nhìn thẳng vào mắt ai đó chỉ ra rằng bạn đang dành sự chú ý cho người đó. Nó thể hiện sự quan tâm của bạn trong cuộc gặp gỡ, việc bạn cảm thấy thật vui khi được gặp họ.

Luôn luôn chắc chắn rằng bạn nhìn vào mắt người đối diện khi bắt tay họ nhé, cho dù cái bắt tay có ngắn gọn và trong trường hợp bận rộn đến thế nào.

2.  Hãy nắm tay vững vàng

Yếu tố chính cho một cái bắt tay tốt là nắm vững. Một cái nắm tay mềm lỏng lẻo không thể hiện nhiều điểm tốt lắm và đôi khi mọi người sẽ cho rằng điều đó có nghĩa là bạn có tính cách yếu đuối hay không thực sự quan tâm đến chính người mà bạn đang bắt tay.

Một cái nắm tay vững và chặt, mặt khác, cho thấy sự tự tin, sức mạnh và sự nhiệt tình, khẳng định rằng bạn rất muốn được tham gia với người đó.

Mặc dù vậy, hãy cẩn thận không để nhiệt tình quá mức nhé. Một cái nắm tay nghiền chặt xương có thể là biểu hiện của sự ngạo mạn vô cùng.

  1. 3. Đừng quá vội vã

Một cái bắt tay nên mang tính chất mời mọc nhưng không được vội vã. Khi bạn bắt tay một cách vội vàng, bạn chắc chắn không thể tránh khỏi bị đặt vào vị trí kẻ nhiệt tình nửa vời và thậm chí hời hợt.

Khi bạn thực sự hứng thú bắt tay, hãy đưa tay của bạn với những ngón tay duỗi thẳng và ngón cái được nhấc cao. Và chỉ đến khi ngón cái của người đối diện được cài chắc chắn vào ngón cái của bạn, lúc đó hãy nắm cả bàn tay họ lại và bắt tay một cách vững chãi nhé.

Bạn cũng không nên quá vội vàng trong việc thả tay ra. Những thành phần “ đồng bóng” như Donald Trump thường thả tay một cách nhanh chóng và điều này được nhiều người cho là một sự xúc phạm lớn. Nếu bạn thậm chí không thể bắt tay tôi thì làm thế nào chúng ta có thể phát triển một mối quan hệ bền vững, đáng tin cậy? Hãy chắc chắn rằng bạn nắm tay vừa đủ lâu để thể hiện cho người đối diện rằng bạn rất vui khi được gặp họ nhé.

4. Không lắc tay quá nhiều

Một trong những cái bắt tay tồi tệ nhất bạn có thể nhận được là khi người đối diện lắc cả cánh tay bạn mạnh đến nỗi như họ đang cố gắng kéo mạnh ra. Chỉ cần hai hay ba động tác lắc tay nhẹ là đủ. Lắc tay quá nhiều có thể truyền tải sự hào hứng quá mức và trong một vài trường hợp, nó tạo ấn tượng rằng bạn đang tuyệt vọng. Ngay cả khi bạn đang thực sự như thế, bạn cũng không hề muốn tự miêu tả mình là một kẻ đầy tuyệt vọng. Hãy đảm bảo rằng bạn không lắc tay quá nhiều nhé.

5.  Tận dụng chuẩn xác bàn tay trái

Sử dụng lối “bắt tay kép” như John F.Kenedy – dùng cả hai bàn tay là một cách thích hợp để sử dụng cả tay trái. Tuy nhiên đó không phải là cách duy nhât.

Con người đều ưa chuộng sự thân mật và gần gũi .Để thể hiện niềm thân mật hay cảm giác hạnh phúc với người đối diện, hãy dùng tay phải bắt tay người đó thật chặt và dùng tay trái chạm lên vai hay khu vực khuỷu tay của họ nhé. Nếu bạn đang bắt tay để chào tạm biệt , bạn có thể sử dụng tay trái vỗ nhẹ lên lưng khi họ bước đi. Những chi tiết nhỏ về thể chất này thực sự rất quan trọng đối với cảm xúc của mỗi người.

Nhưng đôi khi việc sử dụng “đúng” bàn tay trái không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ thấy mình trong những tình huống nhất định khi mà sẽ chẳng thích hợp để làm điều gì ngoài bắt tay một cách đơn giản với bàn tay phải. Hãy chắc chắn bạn sẽ sử dụng trí thông minh của mình để sử dụng hiệu quả nhất bàn tay trái. Việc đặt tay trái như John F.Kenedy sẽ rất tuyệt khi bạn vừa kí kết được một hợp đồng hay giải quyết công việc được với một người và mong muốn thể hiện niềm hạnh phúc của bạn.

6.  Dùng lời nói kết hợp với việc bắt tay

Hãy nhớ rằng hành động bắt tay không chỉ đơn giản là sự giao nhau giữa hai bàn tay đơn thuần. Nó gắn liền với giao tiếp qua mắt, sự tiếp xúc với vai và nhiều yếu tố khác, điển hình là lời nói.

Điều quan trọng nhất cần phải nhớ khi bắt tay một người là tên của người đó. Luôn luôn gọi họ bằng tên của họ và đừng bao giờ sử dụng những cách gọi thay thế chung chung như “anh”, “chị” , “ngài”…Mọi người đều thích được nghe gọi tên của chính mình. Khi bạn bắt tay ai và chào người đó với chính tên của họ, bạn đang nói một cách đầy thuyết phục với người đó rằng “ bạn đủ quan trọng với tôi để tôi phải nhớ và gọi tên bạn”.

Trong giao tiếp thông thường, việc này cũng tỏ rõ hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, bạn biết một người quen vừa mua một chiếc Mercedes Benz mới, bạn có thể bắt tay và nói một vài điều như :“ John, thật vui được gặp anh. Chiếc Mercedes vẫn vận hành tốt chứ?”.

Khi bạn sử dụng lời nói cùng với cái bắt tay, bạn đang tương tác với người đối diện về cả thể chất, ngôn ngữ và tình cảm. Một cái bắt tay khởi đầu “nhân ba” thế này thực sự sẽ đọng lại một ấn tượng tốt đẹp.

  1. 7. Nhắc mọi người  nhớ tên bạn

Trong giao tiếp, không ai muốn mình quên một cái tên. Hãy nhớ rằng những người khác muốn nhớ tên của bạn cũng quan trọng như việc bạn muốn nhớ tên của chính họ.

Bởi vậy, nếu bạn đã gặp một người trước đó, hãy thử đưa cho họ một chút gợi nhớ về bạn khi bạn bắt tay. Bạn có thể nói một vài điều như “ David Johnson. Rất vui được gặp  lại anh, Edward.” Điều này sẽ giúp đưa họ vào tâm thế thoải mái và hứa hẹn tạo ra một cuộc gặp gỡ thân thiện hơn.

Việc bắt tay đã thể hiện tầm quan trọng của nó trong cuộc sống ngày nay. Những hiệp ước hòa bình đã được hứa hẹn chỉ qua một cái bắt tay. Chiến trang cũng kết thúc bằng một cái bắt tay. Những gắn kết trong kinh doanh khởi nguồn từ một cái bắt tay hoàn hảo. Và chỉ một cái bắt tay cũng có thể tạo nên những thiện cảm, quý mến nho nhỏ giữa cuộc sống thường ngày . Bởi vậy, hãy ghi nhớ những mẹo nhỏ này bất cứ khi nào bạn bắt tay một người bạn nhé.

Hà Phương – sưu tầm và biên dịch

2 responses to this post.

  1. Posted by Sumi on 09/01/2011 at 00:31

    Ko ngờ bắt tay cũng phức tạp thế sao :O. Mà ban ơi, mình hay bị lạnh tay, nhất là trời này :-s, liệu khi bắt tay vs 1 ng có bàn tay lạnh thì có bị mất hiệu quả cũng như thiện cảm vs ng đối diện ko nhỉ ? :-ss

    Reply

  2. Posted by Ngoc Boo on 21/01/2011 at 23:11

    mình có 1 câu chuyện như thế này. Hồi mình học lớp 10, một bác đến nhà mình chơi tết muốn xem vở viết văn của mình và sau đó bắt tay thật chặt. Như mẹ mình nói thì xem vở để thấy chữ, “nét chữ nét người”, bắt tay để “thấy được bản lĩnh và sự nồng hậu”.

    bắt tay rất quan trọng, nó là 1 nghệ thuật chân thành nhất, là khởi đầu 1 mối quan hệ, là sự khích lệ, là sự đồng thuận,…

    Theo mình điều quan trọng không phải là tay lạnh hay không, quan trọng là cách bạn bắt tay và ánh mắt của bạn. Khi ấy lực của đôi tay, ánh mắt tự tin sẽ làm đối tác quên đi cảm giác lạnh.

    Tuy nhiên mùa đông lạnh, hãy giữ ấm cho đôi tay bằng găng tay khi cần thiết bạn nhé 🙂

    Reply

Leave a comment