Học hiệu quả với phương pháp ASPIRE

Sắp tới kỳ thi, các bạn học sinh, sinh viên lại cuống cuồng “vùi mài kinh sử”. Học quên ăn, không được ngủ. Nhưng khổ thay, càng học, nhiều bạn lại thấy mình càng chả nhớ được là bao.
Hãy thử vận dụng phương pháp học A.S.P.I.R.E do chuyên gia J.R. Hayes đề xuất nhé


A — Approach:  “Phương pháp tiếp cận”
Đầu tiên, bạn hãy tạo ra một thái độ học tập tích cực, một tâm trạng thật thoải mái cho mình trước khi bắt đầu học. Hãy chọn một khoảng thời gian, không gian tốt phù hợp nhất để sắp xếp  lịch học cho bản thân và tránh để bị tác động bởi những yếu tố gây nhiễu như : tivi, máy tính, mạng internet, Facebook, điện thoại, các cuộc hẹn …
Bạn cũng nên nhớ, mỗi ngành khoa học, môn học, chương học đều có những phương pháp tiếp cận khác nhau. Bạn cần nắm rõ phương pháp tiếp cận ấy & chọn phương pháp, công cụ học phù hợp. Nếu không biết, hãy hỏi thầy cô của bạn!
Ví dụ: Bạn không thể giỏi toán bằng cách học thuộc lòng, nhưng ngoại ngữ mà không chịu học thuộc thì không thể giỏi được.

S — Select : Lựa chọn
Đừng nghĩ học tất cả những gì thầy cô dạy thì bạn sẽ có thể giỏi & có được điểm cao. Đừng chỉ nghĩ đến chuyện chất hàng đống sách vở hay tài liệu tham khảo trên bàn mà chỉ nên để lại những tài liệu mà bạn nghĩ bản thân có thể đọc xong trong một khoảng thời gian nhất định.
Vì vậy, hãy chú ý và biết xác định đâu là nội dung thực sự quan trọng. Hãy học thật tốt và học nhiều hơn điều thầy cô dạy với phần học ấy để lấy đủ 8 điểm bạn nhé!Vấn đề là làm sao biết được đâu là nội dung quan trọng để chú tâm học tập?
Bật mí với bạn mẹo nhỏ: bạn chú ý lúc giảng bài, nếu thầy cô chú ý, nhắc đi nhắc lại một nội dung nào nhiều thì đấy chính là nội dung quan trọng. Bạn cũng có thể dùng tư duy logic của mình để phán đoán, những phần học nào có liên quan nhiều đến phần học khác hoặc nhiều năm học trước thì đó chính là nội dung rất quan trọng đấy. Thêm vào đó, hãy tự tập cho mình thói quen đọc trước mục lục, những ghi chú và đặt câu hỏi trước khi đọc. Việc này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm kiếm thông tin, tránh việc đọc mà không hiểu mình đang cần gì.

P — Put together : Tổng hợp lại những gì bạn đã học bằng cách tóm tắt
Bạn không nên học thuộc lòng theo sách hay ghi chép, kể cả những môn cần học thuộc lòng như: sử, địa,… mà cần phải tóm lược lại kiến thức và học bằng chính ngôn ngữ của mình. Đây là lúc để bạn tự đánh giá bản thân mình xem đã hiểu và ghi nhớ tới đâu trong suốt quá trình học. Bạn có thể sử dụng mọi cách tóm tắt mà bạn thấy dễ nhớ nhất với mình như: vẽ sơ đồ tư duy, kẻ bảng so sánh, hình minh họa, lược đồ… Cách này làm cho bài học trở nên gọn gàng & gần gũi với bạn hơn. Vì vậy, bạn cũng sẽ dễ nhớ hơn.

I — Inspect: Kiểm tra
Hãy kiểm tra sự hiểu biết của bạn bằng cách vận dụng bài học vào thực tế cuộc sống xung quanh bạn. Bạn hãy xem xét lại những phần bạn chưa hiểu và nghiên cứu sâu hơn về phần đó bằng cách xem những tài liệu khác hoặc hỏi ý kiến của giáo viên/người hướng dẫn. Nếu có thể, bạn cũng nên hỏi những cá nhân hoặc nhóm người mà bạn nghĩ có kiến thức sâu rộng về vấn đề mà bạn thắc mắc đó. Nên nhớ: muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

R — Reconsider: Xem xét lại
Thử đối chiếu những hiểu biết và trải nghiệm của bạn với những trải nghiệm của người khác (thầy cô, bài viết liên quan đến kiến thức đó, …) xem giữa ta và họ có sự khác biệt nào không? Nếu có. Bạn đừng quá lo lắng vì rất có thể phát hiện của bạn chính là phát hiện mới nhất đấy và có khi bạn sẽ là thiên tài trong tương lai. Tuy nhiên, để đảm bảo mình không chủ quan, hãy hỏi tại sao có sự khác biệt này? Lý giải được điều đó, càng làm bạn hiểu & nhớ bài tốt hơn nữa.

E — Evaluate: Định giá và ước đoán
Dùng trí tưởng tượng của mình để dự đoán xem đề thi sẽ như thế nào? Bạn sẽ làm như thế nào? Mất bao lâu? Những nội dung chính nào?… Và bạn có thể đạt bao nhiêu điểm. Điều này giúp bạn nhận thức được mình cần đầu tư thêm những gì và cũng tự tin, chủ động hơn khi bước vào kỳ thi chính thức.

Không quá khó đúng không các bạn? Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy bắt tay xây dựng một kế hoạch học tập khoa học ngay thôi ! Đừng quên : “ Học tập không phải gì khác
mà chính là sự sở hữu của trí tuệ ”;-)
( Thomas Hobbes Người Anh, 1651)
–  Tổng hợp theo báo Mực tím và http://www.kynangmem.org

2 responses to this post.

  1. Posted by wật on 29/09/2010 at 17:50

    không hay

    Reply

  2. các bạn chia sẻ thêm phương pháp học của Adam Khoo đi

    Reply

Leave a comment